Triệu Châu trụ chỗ nào

Một hôm khi Triệu Châu đến viếng thì Vân Cư nói, “Già rồi sao không tìm chỗ trụ đi.” Triệu Châu hỏi, “Trụ chỗ nào bây giờ?” Vân Cư đề nghị, “Phía sau núi có cái chùa cũ đổ nát.” Triệu Châu hỏi lại, “Sao ông không trụ ở đó đi?” Vân Cư không đáp. Sau đó Triệu Châu đến viếng Thù Du. Thù Du hỏi, “Già rồi sao không tìm chỗ trụ đi?” Triệu Châu lại hỏi như trước, “Trụ chỗ nào bây giờ?” Thù Du phản đối, “Ông còn không biết chỗ trụ trong lúc tuổi già nữa sao?” Lúc ấy Triệu Châu nói, “Ba chục năm cưỡi ngựa chẳng sao, bữa nay lại bị té lừa.”

Như Huyễn: Triệu Châu đi viếng hết sư này đến sư khác lúc sư đã sáu mươi tuổi và vẫn tiếp tục đi như một ông tăng hành cước đến khi sư tám mươi tuổi. Thiền của sư đã chín và dịu ngọt như rượu nho lâu năm, nhưng một vài tăng nhân và bậc thầy nghĩ rằng nó chưa đúng mùa. Khi Vân Cư đề nghị sư an trụ, Triệu Châu đã biết nhà thật của sư và không chỗ nào nằm bên ngoài nó, vì thế sư đáp, “Trụ ở đâu bây giờ,” là khôi hài. Triệu Châu, nhận thấy Vân Cư còn thiếu cái hiểu đầy đủ khi bám vào ấn tượng đầu tiên, đề nghị Vân Cư trụ ở cái chùa đổ nát đó. Vân Cư im lặng là chấp nhận sự đạt ngộ của Triệu Châu.

Về sau Triệu Châu sống trong một Thiền viện và dạy nhiều tăng nhân, sư sống đến một trăm hai chục tuổi. Sư chẳng dùng “gậy to” cũng chẳng hò hét như các sư khác, lời sư nói ít nhưng đầy Thiền.

Các Thiền sư Trung hoa và Nhật bản sống ở các chùa hay viện do các nhà quí tộc trợ cấp. Những ông tăng ngu bám vào sự hào nhoáng và danh vọng của những chỗ trú tạm thời không lưu tâm đến sự đạt ngộ của ông thầy. Triệu Châu đã tự giải thoát mình ra khỏi những tiêu chuẩn giả dối này khi sư trắc nghiệm cái hiểu của các ông thầy đã thành danh trong lúc sư hành cước. Có điều hầu như đáng tiếc là về sau sư đã sống trong một Thiền viện và không còn tiếp tục trôi nổi bồng bềnh như một đám mây trời. Trên thế giới, cùng với tín đồ Phật giáo là những người dấu sự đạt ngộ của họ nhưng ảnh hưởng tới người khác như các thầy Sufi, Rinds hay Dervishes đã làm.

Một ông tăng hỏi Vân Môn, “Thế nào là nếp nhà của hòa thượng?” Vân Môn đáp, “Ông chẳng nghe học sinh đến nhà này học đọc học viết sao?"

Như Huyễn: Mỗi Thiền sư tiếp người đến học Thiền theo cách riêng của họ. Ở Nhật, những người thừa kế Bạch Ẩn nhận người học từng người một và dùng công án để khảo nghiệm cái hiểu của họ. Độc Viên thường tiếp tục hút thuốc khi người học vào phòng tham thiền, mỉm cười với người học, không nói một lời hay bỗng nhiên cười lớn khi người học trình cái thấy của mình về công án, rồi rung chuông cho lui trước khi người học có thể lễ bái lần thứ nhì.

Kando thì để cây gậy ngay trước chỗ ngồi và bảo người học, “Hãy đến gần hơn. Tôi già rồi nghe khó lắm.” Khi người học đến vừa tầm, sư liền lấy gậy đánh. Tôi đã có lần kinh nghiệm gia phong của sư trong lúc tham thiền, khi sư bảo tôi đến gần hơn, tôi tiến đến vừa đủ để nắm lấy cây gậy của sư khi tôi trình kiến giải của tôi về công án. Thích Tông Diễn thường thay đổi chỗ ngồi, nhất là vào buổi chiều, vì vậy người học không thể thấy sư ngay.

Vào thời của Vân Môn không có phương pháp ổn định khi nhận tham thiền. Các ông tăng tiến đến gần sư bất cứ khi nào có cơ hội: ngoài vườn, trong hành lang, hay ngay cả lúc sư đang tắm. Câu chuyện này xảy ra gần cổng ngoài, nơi đây trẻ con đang đi ngang qua trên đường đến trường. Vân Môn tiếp tất cả người trong thiên hạ như đệ tử của sư, ngay cả trẻ con trong trường học cũng bắt đầu nhận sự hướng dẫn của sư mặc dù chưa từng gặp hay biết sư. Ở đây sư chỉ bày triết lý Hoa Nghiêm: Một là nhiều và nhiều là một.

Nếu đọc những cuộc đối thoại Thiền thời nhà Đường hay nhà Tống, quí vị sẽ thấy sau khi nói pháp các sư ban sự hướng dẫn cá nhân cho những ai bước lên đặt câu hỏi. Theo kinh điển thì Phật cũng dạy theo cách này, nhưng khi giáo lý truyền đến Nhật bản, phương pháp này dần dần trở thành một phần của nghi thức hay nghi lễ, tạo nên sự phù phiếm và tham vọng trong giới đệ tử cố đẩy ông thầy vào góc tường, hay dàn cảnh. Nó giống như một màn biểu diễn rẻ tiền trên đường phố.

Để tránh tình trạng này, Bạch Ẩn bắt đầu biện pháp bắt buộc đệ tử đến phòng tham thiền của sư riêng từng người một, buổi sáng và buổi chiều, dù họ có kiến giải hay không. Nhưng phương pháp này cuối cùng cũng đến phiên trở thành nghi thức đối với những đệ tử quan tâm đến sự đậu rớt trong các kỳ thi. Thật là lạc xa tư tưởng Thiền.

Vào thời Vân Môn, các nhà Khổng học cống hiến sự giáo dục thông thường, nhấn mạnh luân lý hơn là học thức. Vân Môn nhấn mạnh một cách có mục đích quan điểm đạo đức khích lệ tăng nhân giữ giới luật hằng ngày trước khi phát biểu triết lý siêu việt.

Genro: Vân Môn sẽ không có nhiều đệ tử bằng cách này khi họ đến để lượm lặt các thứ gia phong hấp dẫn.

Fugai: Có lẽ Vân Môn không làm gì hơn là chiếm lấy chỗ của thầy giáo nhà trường.

Như Huyễn: Nếu một Thiền tăng không làm gì khác hơn là chiếm chỗ của thầy giáo nhà trường, thì ông ta là một Thiền tăng lý tưởng. Ông ta không cần che dấu gia phong dể dụ mấy ông tăng hành cước.